Chuyên trang cơ sở dữ liệu Tài nguyên và Môi trường
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn thải phục vụ quản lý, dự báo, cảnh báo nguồn thải và nghiên cứu khoa học

Chiều ngày 3/7, tại cuộc họp rà soát dự thảo Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chỉ đạo: “Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải trên quan điểm dữ liệu phải liên thông, dùng chung, phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, dự báo, cảnh báo nguồn thải và nghiên cứu khoa học”.

 08/02/2020 20:36:22 |  427

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn thải phục vụ quản lý, dự báo, cảnh báo nguồn thải và nghiên cứu khoa học

Toàn cảnh cuộc họp https://hanam.gov.vn

Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2018 với mục tiêu Điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ có phát sinh chất thải trên phạm vi toàn quốc; trên cơ sở đó, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về nguồn thải đảm bảo đồng bộ, thống nhất và được tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường, đáp ứng yêu cầu cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường và các đơn vị liên quan xây dựng Dự án đảm bảo toàn bộ các hoạt động sản xuất, dịch vụ có phát sinh chất thải trên phạm vi toàn quốc được thống kê, cập nhật thường xuyên và liên tục; các CSDL về chất lượng môi trường (như quan trắc môi trường, các điểm ô nhiễm tồn lưu…), đa dạng sinh học, báo cáo môi trường được tích hợp, cập nhật vào hệ thống CSDL. Hệ thống CSDL sẽ có khoảng 500.000 chủ nguồn thải, các đối tượng quản lý về chất lượng môi trường, đa dạng sinh học, cũng như toàn bộ các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp từ Trung ương đến địa phương đều thực hiện việc khai báo, cập nhật thông tin thường xuyên; đáp ứng khoảng 10.000 lượt truy cập đồng thời để cập nhật, khai thác dữ liệu.

Dự án được thiết kế bảo đảm phù hợp với khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường phiên bản 2.0, kế thừa và sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có của Bộ và các CSDL môi trường trước đây đã xây dựng. Trong đó tập trung xây dựng CSDL về nguồn thải và chất thải rắn; sau đó sẽ hướng dẫn, yêu cầu chủ nguồn thải khai báo trên hệ thống CSDL thông qua tạo lập, cung cấp mã định danh/tài khoản cho chủ nguồn thải tự tiến hành khai báo thông tin và cập nhật số liệu thông qua việc cập nhật thông tin trực tiếp trên hệ thống phần mềm CSDL nguồn thải.

Đối với CSDL về chất thải rắn sẽ kế thừa kết quả của các đoàn kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước, thực hiện triển khai Nghị quyết số 09/NQ-CP về thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn.

Đối với công tác thu thập dữ liệu về chất lượng môi trường, các khu vực bị ô nhiễm tồn lưu và đa dạng sinh học, Dự án có các phần mềm để kết nối, tích hợp CSDL hiện có về chất lượng môi trường, đa dạng sinh học, các điểm ô nhiễm tồn lưu vào hệ thống CSDL mới.

Dự án cũng tập trung xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách quy định về chế độ báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu môi trường và quy chế, hướng dẫn quản lý, vận hành, khai thác, giám sát CSDL môi trường.

Sau khi nghe báo cáo dự thảo Dự án và nghe ý kiến tham gia của các đại biểu, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, trước những yêu cầu cấp bách của việc quản lý tài nguyên và môi trường nói chung và quản lý về nguồn thải và chất thải rắn nói riêng thì việc xây dựng CSDL về nguồn thải là hết sức cần thiết. Việc xây dựng Dự án phải tập trung vào các nội dung cốt lõi, bám sát mục tiêu của Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đặt ra, trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả; kế thừa những kết quả của các Đề tài, Dự án ở các giai đoạn trước nhưng vẫn phải đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại của hệ thống, đảm bảo tính liên thông, kết nối từ Trung ương đến địa phương.

"Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải trên quan điểm dữ liệu phải liên thông, dùng chung, phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, dự báo, cảnh báo nguồn thải và nghiên cứu khoa học". Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Môi trường tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Vụ Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, bảo đảm chất lượng.​

Theo Bộ tài nguyên và môi trường



Lượt truy cập: 193045

Đang truy cập: 38